Tông Thư “Lòng Thương Xót Chúa Misericordia Dei”
Về Một Số Khía Cạnh Liên Quan Đến Việc Cử Hành Bí Tích Thống Hối


Tông thư trên đây được ĐTC ký ngày 7/4/2002, Ngày Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa, và được chính thức ban hành ngày 2/5/2002 lúc 11 giờ 30 sáng tại Phòng Báo Chí của Tòa Thánh, với các vị được ĐTC tham vấn để viết Bức Tông Thư này là ĐHY Joseph Ratzinger, Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, ĐHY Jorge Arturo Medina Estevez, Tổng Trưởng Thánh Bộ Phụng Tự Và Bí Tích, và ĐTGM Julian Herranz, Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Về Các Bản Văn Kiện Lập Pháp. Kết Bức Tông Thư, ĐTC đã chỉ thị như sau: “Tôi muốn truyền chỉ là tất cả những gì Tôi đã nêu lên trong Tông Thư được ban hành dưới hình thức Motu Proprio đây phải hoàn toàn có hiệu lực bền vững và được tuân giữ từ ngày hôm nay trở đi, bất kể có những điều khoản nào trái ngược lại. Tất cả những gì Tôi truyền chỉ trong Tông Thư này tự bản chất cũng có công hiệu đối với cả Các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương phù hợp với những Khoản Giáo Luật hiện hành của Các Giáo Hội ấy”.

Sau đây là những đoạn tiêu biểu trực tiếp liên quan đến những truyền chỉ về việc áp dụng thực hành cho đúng với Bí Tích Thống Hối, những việc thực hành gần đây đã bị lạm dụng.

Theo giòng lịch sử của việc Giáo Hội liên lỉ thực hành, “thừa tác vụ hòa giải” (2Cor 5:18), một thừa tác vụ được ban phát qua Các Bí Tích Rửa Tội và Thống Hối, vẫn hằng được coi như là một trách nhiệm mục vụ thiết yếu cao qúi của thừa tác vụ linh mục, một thừa tác vụ được thi hành theo lệnh truyền của Chúa Giêsu. Qua các thế kỷ, việc cử hành Bí Tích Thống Hối đã phát triển qua nhiều hình thức khác nhau, nhưng bí tích này vẫn giữ nguyên cấu trúc cốt yếu của mình, đó là chẳng những cần phải có tác động của vị thừa tác viên – là Giám Mục hay linh mục mà thôi, những vị nhân danh Chúa Kitô phân giải và xá tội, xoa dịu và chữa lành – mà còn cần phải có cả các tác động của hối nhân nữa, những tác động ăn năn thống hối, xưng thú tội phạm và đền bù lầm lỗi.

Để thừa tác viên Bí Tích này có thể biết được tình trạng dự bị nơi hối nhân liên quan đến việc ban hay không ban ơn xá giải và ra việc đền tội xứng hợp, thì người tín hữu, một khi nhận biết lỗi phạm của mình, ăn năn hối hận lầm lỗi và dốc lòng chừa không tái phạm tội ấy nữa, còn cần phải xưng thú các tội phạm của mình. (Cf. Ecumenical Council of Trent, Session XIV, Doctrina de Sacramento Paenitentiae, Chap. 4: DS 1676). Theo chiều hướng này, Công Đồng Chung Tridentinô đã phán dạy rằng cần phải “xưng thú theo ý muốn của Thiên Chúa mỗi một tội trọng và hết mọi tội trọng… Bởi thế, vì việc xưng thú trọn vẹn các trọng tội theo ý muốn của Thiên Chúa là phần làm nên Bí Tích này, nên nó không thể nào lại tùy thuộc vào sự khôn ngoan của các vị mục tử (liên quan đến việc miễn trừ, giải thích, tục lệ địa phương v.v.)

Về những hoàn cảnh chăm sóc các linh hồn hiện nay, cũng như để đáp lại những yêu cầu về mối quan ngại của nhiều Anh Em trong Hàng Giáo Phẩm, Tôi thấy rằng đây là việc làm hữu ích để nhắc lại một số khoản giáo luật đang có hiệu lực liên quan đến việc cử hành Bí Tích này, cũng như để làm sáng tỏ một số khía cạnh về những khoản giáo luật này… Việc này lại càng cần hơn nữa, vì ở một số nơi đang có khuynh hướng loại bỏ việc xưng tội riêng và sử dụng một cách sai trái việc xá giải “chung” hay xá giải “cộng đồng”. Như thế việc xá giải chung không còn được coi như phương tiện ngoại lệ giành cho những trường hợp hoàn toàn bất thường.

Bởi thế, sau khi tham vấn với Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, Thánh Bộ Phụng Tự Bí Tích và Hội Đồng Tòa Thánh Về Các Văn Kiện Lập Pháp, cũng như sau khi nghe những quan điểm của Quí Huynh Hồng Y khả kính phụ trách các phân bộ của Tòa Thánh Rôma, … Tôi truyền chỉ những điều sau đây:

1) Các Đấng Bản Quyền địa phương cần phải nhắc nhở cho tất cả mọi thừa tác viên ban Bí Tích Thống Hối là luật chung của Giáo Hội áp dụng tín lý Công Giáo trong lãnh vực này đã ấn định như sau:
a.- “Việc xưng tội cũng như xá tội cá nhân một cách trọn vẹn là phương tiện bình thường duy nhất nhờ đó tín hữu một khi nhận biết trọng tội của mình được hòa giải với Thiên Chúa và Giáo Hội; chỉ khi nào bất khả thực hiện về phương diện thể lý hay luân lý mới được miễn trừ khỏi việc xưng tội riêng này, một trường hợp có thể được hòa giải bằng những cách thức khác” (Giáo Luật, 960).
b.-Bởi thế, “tất cả những ai thi hành thừa tác vụ của mình trong việc chăm sóc các linh hồn buộc phải làm sao để có thể bảo đảm rằng việc xưng tội của các tín hữu được trao phó cho các vị phải thi hành khi họ yêu cầu với lý do chính đáng, và họ phải được cống hiến dịp xưng tội riêng vào ngày giờ ấn định thuận lợi cho họ” (Giáo Luật, 986.1)
Hơn nữa, tất cả các vị linh mục có năng quyền ban phát Bí Tích Thống Hối phải luôn luôn chứng tỏ cho thấy rằng mình hết lòng sẵn sàng ban phát Bí Tích này bất cứ lúc nào tín hữu yêu cầu chính đáng (Cf. Second Vatican Ecumenical Council, Decree on the Ministry and Life of Priests Presbyterorum Ordinis, 13; Ordo Paenitentiae, editio typica, 1974, Praenotanda, No. 10, b.). Không sẵn sàng tiếp nhận thành phần chiên bị thương tích, và ngay cả không đi đến với chúng để mang chúng về đàn, là một dấu hiệu xấu cho thấy thiếu cảm thức mục vụ nơi những ai lãnh nhận Bí Tích tư tế là thành phần cần phải phản ảnh Vị Mục Tử Nhân Lành.

2) Các Đấng Bản Quyền địa phương, các linh mục coi xứ cũng như các vị quản nhiệm nhà thờ và đền thờ, phải định kỳ chứng minh cho thấy rằng các vị đã quả nhiên thực hiện những cống hiến khả dĩ nhất cho tín hữu để họ có thể xưng thú tội lỗi của họ.

3) Vì “tín hữu buộc phải xưng tội, tùy theo loại tội và lần phạm, tất cả mọi trọng tội vấp phạm sau khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội mà họ ý thức được sau khi cẩn thận xét mình, những trọng tội chưa được quyền năng cầm buộc của Giáo Hội tha thứ, hay chưa thú nhận nơi việc xưng tội riêng” (Giáo Luật, 988.1), nên bất cứ một đường lối thi hành nào giới hạn vấn đề xưng tội vào việc cáo tội một cách tổng quát hay chỉ nhắm vào một hai tội được cho rằng quan trọng hơn, đều phải bị khiển trách.

4) Theo chiều hướng và trong giới hạn của các qui chuẩn trên đây, việc xá tội cùng một lúc cho một số hối nhân chưa xưng tội trước, như Giáo Luật khoản 961 phác họa, cần phải được hiểu và thi hành một cách đúng đắn. Thật vậy, một việc xá tội như thế có “tính cách ngoại lệ” và “không thể ban một cách chung trừ khi:
1. Nguy tử đến nơi, không đủ giờ cho vị linh mục hay các vị linh mục giải tội cho từng hối nhân;
2. Có lý do hết sức cần thiết, tức là trường hợp số hối nhân không có đủ các vị giải tội để xá giải cho từng người theo cách thức thích đáng trong một thời gian thích hợp, làm cho các hối nhân hụt hẫng ơn bí tích hay không được Hiệp Lễ một thời gian dài không do tại lỗi của họ; không được cho là có đủ lý do cần thiết khi không có sẵn các vị giải tội chỉ vì có quá đông hối nhân, như trong trường hợp của một số ngày đại lễ hay hành hương.

Về trường hợp có lý do quan trọng thì cần phải sáng tỏ những điều sau đây:
a.- Có liên quan đến những trường hợp ngoại lệ theo khách quan, những trường hợp có thể xẩy ra tại các khu truyền giáo hay ở các cộng đồng tín hữu lẻ loi hẻo lánh, nơi chỉ được linh mục đến viếng thăm một hai lần trong năm, hay khi chiến tranh hoặc điều kiện khí hậu hay các yếu tố tương tự cho phép.
b.- Hai điều kiện được phác họa trong Giáo Luật để xác định vấn đề lý do cần thiết là hai điều kiện bất khả phân ly.
c.- Điều kiện thứ nhất, đó là việc không thể giải tội “một cách thích hợp” “trong một thời gian thích đáng”, chỉ có ý nói đến thời gian xứng hợp cho các yếu tố để cử hành thành hiệuÕvà xứng đáng Bí Tích này.
d.- Điều kiện thứ hai cần đến sự phán đoán khôn ngoan để thẩm định về tình trạng các hối nhân có thể bị hụt hẫng ơn bí tích vì có những điều thực sự không thể làm được như khoản Giáo Luật 960 nêu lên, tình trạng xét ra không liên quan tới vấn đề bị nguy tử đến nơi.
e.- Không thể chấp nhận việc bày tạo, hay cho phép bày tạo ra, những trường hợp có lý do cần thiết quan trọng rõ ràng,… lại càng không được chiều theo thị hiếu của hối nhân thích được xá giải chung, như thể việc xá giải chung này là một giải pháp thông thường tương đương với hai hình thức bình thường được phác họa theo Lễ Nghi.
f.- Con số đông hối nhân qui tụ lại vào dịp đại lễ hay hành hương, hoặc vì lý do du lịch hay vì tình trạng tăng mức di động của dân chúng, tự nó không đủ để làm nên lý do cần thiết.

5) Quyền phán quyết về những điều kiện như Khoản Giáo Luật 961.1,2 đòi hỏi không phải là vấn đề của vị giải tội, mà là vấn đề của “Vị Giám Mục địa phận, Vị có thể xác định những trường hợp có lý do cần thiết theo chiều hướng của những qui chuẩn được các phần tử của Hội Đồng Giám Mục đồng ý” (Giáo Luật 961.2).

6) Vì tầm quan trọng sâu xa của việc hòa hợp giữa các Hội Đồng Giám Mục khắp nơi trên thế giới về vấn đề hết sức thiết yếu cho đời sống của Giáo Hội đây, mà các Hội Đồng Giám Mục khác nhau, bằng việc tuân giữ Khoản Giáo Luật 455.2, sẽ gửi về cho Thánh Bộ Phụng Tự Bí Tích sớm bao nhiêu có thể bản văn về những qui chuẩn được các Hội Đồng ấy ấn định phổ biến hay điều chỉnh theo chiều hướng của văn kiện Motu Propio về việc áp dụng Khoản Giáo Luật 961 này.

7) Đối với việc dự bị riêng tư của các hối nhân, cần phải lập lại là:
a.- “Đối với tín hữu đã lãnh nhận việc xá giải được ban thành sự cho nhiều người một lúc theo bí tích, họ cần phải chẳng những dọn lòng cho xứng đáng, đồng thời họ cũng phải có ý định xưng thú riêng những trọng tội bấy giờ không thể xưng thú như vậy được” (Giáo Luật khoản 962.1).
b.- Kể cả trường hợp nguy tử đến nơi, cũng phải cố hết sức thực hiện việc huấn dụ căn bản cho tín hữu “để mỗi người tự mình tỏ ra hành động thống hối” (Giáo Luật Khoản 962.2).
c.- Các hối nhân sống trong tình trạng vướng mắc tội trọng mà không có ý định thay đổi tình trạng của mình thì lãnh nhận việc xá giải không thành.

8) Việc buộc phải “xưng tội trọng một năm ít là một lần (Giáo Luật khoản 989) vẫn còn công hiệu, bởi thế “một người có tội trọng được phép xá giải chung tha thứ cho thì phải tìm cách xưng tội riêng sớm bao nhiêu khi có thể làm việc này, trước khi chịu phép xá giải chung khác, trừ khi có lý do ngăn trở chính đáng” (Giáo Luật khoản 963).

9) Về vấn đề nơi chốn và tòa giải tội để cử hành Bí Tích này, cần phải nhớ rằng:
a.- “Nơi xứng hợp để ban bí tích giải tội là nhà thờ hay nguyện đường” (Giáo Luật khoản 964.1), vẫn biết lý do mục vụ có thể cho phép cử hành Bí Tích này ở những nơi khác (x Giáo Luật 964.3).
b.- Tòa giải tội được ấn định theo các qui chuẩn của Hội Đồng Giám Mục đương nhiệm, phải bảo đảm là các tòa giải tội được đặt “ở một nơi trống” và phải có “một bức ngăn cố định”, để tín hữu và vị giải tội nếu cần có thể sử dụng một cách dễ dàng”.

Tóm lại, ĐTC đã lập lại 8 điểm chính sau đây:
1) Việc xưng tội riêng là phương tiện bình thường để được ơn tha tội;
2) Thừa tác viên có quyền xá giải chẳng những phải luôn sẵn sàng đáp ứng lời xin chính đáng của hối nhân muốn xưng tội, mà còn phải tích cực đi tìm con chiên lạc nữa;
3) Việc xưng tội chung là việc bất đắc dĩ, nếu hội đủ những lý do hết sức khẩn thiết theo Giáo Luật,
4) Hối nhân được xá giải chung phải có ý hướng và tìm cách xưng tội riêng lại ngay sau đó;
5) Xưng tội phải có ý định chừa tội mới thành;
6) Không được nhấn mạnh đến việc xưng thú tổng quát hay chỉ cần nhắm vào một hai tội quan trọng hơn;
7) Nơi xưng tội hợp nhất là trong nhà thờ hay nhà nguyện;
8) Tòa giải tội phải ở nơi trống trải và có bức ngăn đàng hoàng;

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Màn Điện Toán Zenit)